Category: 02. LANG THANG BỤI CÕI TA BÀ – HÀNH TRÌNH THỨ BA
LANG THANG BỤI CÕI TA BÀ – HÀNH TRÌNH THỨ BA – SAIGON – BALI – YOGYAKARTA – JAKARTA – SINGAPORE – KUALA LUMPUR – PENAING – PADANG BESAR – SURAT THANI – KOH SAMUI – BANGKOK – KANCHANABURI – SIEM REAP – PHNOM PENH – SAIGON
Sáng sớm Ubud yên bình, tĩnh lặng, trong lành và mát mẻ. Tiếng chim ríu rít, tiếng suối róc rách, tiếng gió xào xạc, tiếng mưa nhẹ rơi hòa với mùi thơm cây cỏ lá hoa của rừng già, tấu lên một bản jazz thiên nhiên thiệt quyến rũ.
Trước khi tới Bali, tụi tui cứ nghĩ cư dân sanh sống trên hòn đảo này đa số là người Hồi giáo. Nhưng khi đặt chân lên đây, quan sát và nói chuyện với một số người, tụi tui mới biết người dân Bali đa số là người theo đạo Hindu. Họ ăn heo và thờ bò.
Bali trong trí tưởng tượng của tụi tui là một nơi toàn rừng núi, có nhiều làng quê êm đềm bên cạnh các đồng lúa. Nhưng không chỉ có vậy. Bali còn có nhiều thành phố lớn hiện đại và đông đúc. Cảnh kẹt xe lúc cao điểm không khác gì so với các thành phố khác ở đông nam Á.
Chiều nay tụi tui tới tham quan Kebon Vintage Car Museum. Một trong những nơi trưng bày xe cổ lớn nhứt Nam Dương. Thiệt là trùng hợp khi tụi tui tình cờ gặp Marius, một anh bạn mê Citroen, người Nam Dương, cũng đang tham quan nơi này. Thú vị hơn nữa là chủ Museum này cũng là bạn thân của anh Marius.
Tụi tui vừa ngắm xe, vừa trò chuyện, vừa thưởng thức bia Bintang. Một bất ngờ thú vị, trong lúc đang bia bọt thì một người bạn của Marius gọi. Tụi tui kéo tới nhà của người này, một người Hà Lan mê Citroen và cực kỳ hiếu khách. Tới nơi, tụi hết sức ngạc nhiên trước đam mê của Peter, chủ nhà. Bộ sưu tập Citroen của Peter khá độc đáo với Citroen SM, DS19 Caprio, DS21, DS23, 2CV, Mehari, CX, GS, Traction Avant…
LANG THANG BỤI CÕI TA BÀ HÀNH TRÌNH THỨ BA NGÀY THỨ NHỨT – 1.6.2023: SAIGON to BALI by SKYWAY
Tiết trời tháng Tư và tháng Năm ở Cao Miên và Xiêm La oi bức và rất khó chịu. Để tránh cái nắng mùa hè gay gắt cháy sạm da ở những vùng đất này, tụi tui đã dời lịch lại hai tuần, đồng thời chuyển hướng đi ngược lại với hành trình đã tưởng tượng ra lúc trước.
Đó là lý do sớm nay, thay vì ra bến xe Bus từ Saigon đi Cao Miên, tụi tui xách valise ra phi trường Tân Sơn Nhứt, đáp phi cơ chuyến 07 giờ 55 sáng của hãng VietjetAir đi Bali, xứ Nam Dương.
VietjetAir có từ hai tới ba chuyến bay thẳng Saigon – Bali mỗi ngày. Thời gian bay khoảng gần 4 tiếng. Điều này cho thấy người Việt đi du lịch Bali khá rộn ràng, hơn 15 ngàn người mỗi tháng. Giá vé Saigon – Bali khá cao, dao động từ 2,200,000 đồng tới hơn 6,000,000 cho hạng C, tức là hạng bèo nhứt.
Ngoài VietjetAir còn có nhiều hãng khác bay chuyến Saigon – Bali. Giá vé của các hãng này rất cao và thời gian bay lại rất dài, do phải quá cảnh lượm thêm khách. Các hãng này thường ghé Cát Long Pha hoặc Tân Gia Ba hoặc Gia Các Ta hoặc Mã Ni Lạp hoặc thậm chí đi tuốt tận Đài Bắc và Đông Kinh.
Hiện nay du khách nhập cảnh vô Nam Dương vẫn còn phải trình thẻ chích hai mũi vaccine cúm tàu. Nếu không có thì không qua được quầy thủ tục check-in của các hãng hàng không. Tụi tui không biết vụ này nên sáng nay mất cả tiếng đồng hồ alo về nhà tìm. Hên là tìm ra, nhưng khi làm thủ tục check-in xong cũng đã quá trễ. Chỉ còn chừng 30 phút nữa là khởi hành mà dòng người xếp hàng làm check-out và rà quét anh ninh thì dài vô tận. Đang bối rối hoang mang chưa biết xử trí ra sao thì tụi tui chợt nhớ có thể nhờ trợ giúp. May mắn, nhờ có trợ giúp nên tụi tui xong khâu an ninh vừa kịp thời gian lên phi cơ.
Nam Dương là quốc gia có nhiều đảo nhứt thế giới với hơn 18 ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Quốc gia này là một thành viên của ASEAN nên người Việt nhập cảnh vô không cần visa. Thủ tục nhập cảnh tại phi trường Quốc Tế Denpasar khá nhanh gọn. Các anh Hải quan Bali vui vẻ, dễ chịu. Khâu khai báo hàng hóa và ngoại tệ du khách đem vô Nam Dương được tự thực hiện tại quầy máy tính. Tất cả chỉ mất khoảng 30 phút.
Sau khi đã xong thủ tục nhập cảnh, tụi tui lên xe của resort hướng về phía Ubud. Trên đường tới resort, tụi tui ghé vô một tiệm ăn địa phương nhỏ bên đường (warung loka) để ăn trưa.
Các con lộ từ phi trường Denpasar về trung tâm Ubud khá lớn nhưng mật độ xe cộ rất cao, ai cũng phải rùa như bò. Đường từ trung tâm Ubud dẫn vô resort khoảng 10 cây số, khá nhỏ, đi quanh co lên xuống dốc, qua một số thị trấn và làng mạc yên bình. Cuộc sống người dân ở đây có vẻ hiền hòa và thân thiện. Đa số là người theo đạo Hindu. Thu nhập của họ chủ yếu là từ nông nghiệp và các dịch vụ dành cho khách du lịch.
Đảo Bali nằm phía nam bán cầu nên mùa này có thời tiết khá dễ chịu. Buổi trưa nhiệt độ trên dưới 30⁰C. Sáng sớm và ban đêm mát mẻ với nhiệt độ dưới 24⁰C. Đây là một trong những thiên đàng nghỉ dưỡng được du khách ưu ái nhất.
Tối nay, tụi tui cũng đã tranh thủ xách xe gắn máy lượn vài vòng tham quan Ubud Town và ăn tối món Babi Guling thần thánh cay đỏ tai của đảo Bali. Ở bên Bali này ai cũng chạy ngược chiều bên trái, tụi tui cũng vậy. Lần đầu được chạy xe ngược chiều thoải mái, cảm giác thiệt là phấn chấn.
Giờ đây tụi tui đang ngồi thưởng thức vài lon bia Bintang cũng rất chi là thần thánh ở Tanah Merah Art Resort, một resort duyên dáng ẩn mình khiêm tốn giữa núi rừng thiên nhiên Bali an bình của đất nước vạn đảo – Nam Dương.
Đang lơ mơ nhìn theo làn khói của chiếc lá Cohiba, tui chợt nhớ tới những đỉnh núi tuyệt đẹp tựa thiên đàng của đông Lào. Những thiên đàng này đã, đang và sẽ bị cạo trọc và bị ịn lên một lớp bê tông phô trương, tham lam và quê mùa.