THẢM KỊCH VĨ NHÂN

Ngày Xưa Nguyễn Trãi Tiên Sinh
Làm Quan Hành Khiển Quên Mình Bề Tôi
Phò Vua Lê Lợi Lập Ngôi
Bình Ngô Đại Cáo Viết Thời Côn Sơn.

Khi nói đến lịch sử, hầu hết mọi người trong chúng ta đều nghĩ ngay đến những trang sách chi chít các dữ liệu ngày tháng khô khan, khó đọc, khó nhớ. Với cuốn tiểu thuyết Thảm Kịch Vĩ Nhân của nhà văn Hoàng Minh Tường thì khác hẳn. Cuốn sách cho chúng ta một cách đọc lịch sử mới mẻ, sinh động và lôi cuốn.

Nguyễn Trãi là một người yêu nước, sống thanh liêm, chính trực. Cũng vì đức tính đó mà quan lộ của ngài luôn gập ghềnh và gặp lắm trắc trở. Nhiều lúc, ngài đành phải buông xuôi vì số quan lại ngu dốt, tham lam, nịnh nọt, ác độc quá đông. Những lúc đó, cụ Nguyễn Trãi sẵn sàng từ chức, gạt bỏ bổng lộc, từ chối danh vọng để giữ vững tâm khí trong sạch.

Tiếc thay, cụ Nguyễn Trãi đã bị kết án oan. Thời nhà Lê, vụ xử án man rợ mang tên Lệ Chi Viên, đã tru di tam tộc đối với quan Thừa chỉ Hành khiển, cụ Nguyễn Trãi và vợ là người đẹp, quan Lễ nghi Học sĩ, bà Nguyễn Thị Lộ.

Trong bối cảnh đại dịch do con china wuhan novel coronavirus gây ra hiện nay, liên tưởng đến đức tính khí khái của cụ Nguyễn Trãi, mong rằng những người không có năng lực quản trị khủng hoảng nên nhường trọng trách cho những người vừa có kiến thức vừa có đạo đức đảm nhiệm công việc cực kỳ quan trọng này.

Saigon, 31/08/2021

17 BÍ KÍP LUYỆN VIẾT LÁCH

1. Viết hằng ngày

Tôi viết khá nhiều mỗi ngày. Xin nhấn mạnh là mỗi ngày, không phải là một hoặc hai lần/tuần. Viết dưới mọi hình thức: cho blog cá nhân của tôi, cho chương trình Sea Change, viết mỗi khi có ý tưởng mới cho một cuốn sách hoặc một bài giảng mới. Đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà tôi làm trong suốt 25 năm, bởi sự luyện tập bền bỉ sẽ làm dịu đi những khó khăn và biến những trở ngại trở nên ít đáng sợ hơn. Lời khuyên của tôi là nên viết blog hằng ngày hoặc blog cách ngày.

2. Học cách vượt qua sự kháng cự

Mỗi nhà văn đều phải đối mặt với trở ngại ngáng đường việc viết lách của họ, sự thôi thúc trì hoãn đẩy họ tới việc bị sao lãng hoặc bận rộn những công việc khác. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng thay vì chạy trốn, tôi học cách đối mặt với sự kháng cự. Tôi học cách để trở nên không quá sợ hãi trước việc viết lách. Tôi học cách bắt đầu mà không cần suy nghĩ quá nhiều về nó. Nếu sự kháng cự đang cản trở việc viết lách hằng ngày của bạn, hãy đương đầu với nó, đừng né tránh.

3. Coi việc viết lách như một cách rèn luyện sự tập trung tinh thần

Tôi coi viết lách như một cách để tĩnh tâm, nơi tôi có thể rũ bỏ mọi thứ trong chốc lát và hoàn toàn tập trung vào một hoạt động. Nói cách khác, tôi cần dành một khoảng không và đặt tâm trí mình vào việc viết, chỉ đơn thuần không cuốn theo sự sao lãng khi nhận thấy nó đang đến gần. Tôi nhìn vào bản thân và để cảm xúc tuôn trào theo từng con chữ, hoặc, hiểu nội tâm mình và cố gắng chuyển điều đó lên trang giấy.

4. Thiết lập thời gian biểu viết lách

Giống như việc bạn tạo một chiếc đồng hồ bấm giờ cho việc tĩnh tâm, sẽ thật hữu dụng nếu bạn làm điều tương tự vào mỗi lần viết. Chẳng hạn, bạn có thể đặt giờ 10 phút, hãy để câu chữ tuôn ra và cố gắng tập trung trong suốt 10 phút đó. Xác định được khoảng thời gian giới hạn cho phép giải tỏa đi một vài nỗi sợ hãi trong bạn và điều đó được biểu hiện thông qua ghi chép của bạn.

5. Học cách đối phó với nỗi sợ hãi

Tất cả những người viết đều phải vật lộn với những nỗi sợ – sợ thất bại, sợ mình không đủ tài năng, sợ cảm giác không thoải mái và sự thiếu chắc chắn khi thâm nhập vào những góc khuất làm chúng ta kinh hãi. Một số người để nỗi sợ hãi xâm lấn, cản trở họ ngay từ khi bắt đầu, ngăn cản họ viết hoặc khiến họ bị phân tâm. Nhưng tôi phát hiện ra rằng, sẽ hữu ích hơn nếu bạn học cách chung sống với nỗi sợ và viết với bất cứ giá nào. Tất nhiên, bạn vẫn viết ngay cả khi bạn có thể cảm thấy vô cùng không thoải mái và bản thân tràn ngập sự không rõ ràng. Bạn có thể ngồi lại với nỗi sợ hãi trong một phút và sau đó bắt đầu viết. Những nỗi sợ hãi rất đáng sợ nhưng tình hình sẽ không quá tệ nếu bạn học cách đối mặt với chúng.

6. Quan tâm tới kỹ thuật viết

Kỹ thuật của một tác giả nằm ở câu từ, vì vậy bạn nên quan tâm đến chúng. Nói cách khác, bạn viết đúng chính tả và ngữ pháp, đây là những điều cơ bản của viết lách. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ mắc lỗi, nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn phải thường xuyên làm tốt hơn mức độ cơ bản. Bạn sẽ không thể trở thành thợ mộc nếu không học cách đóng đinh và dùng cưa, đúng không nào? Khi bạn viết xong, hãy soát lại lỗi chính tả và học thêm các từ mới. Tra từ điển thường xuyên. Hãy để bạn bè biên tập cho bạn và tránh mắc cùng một lỗi nhiều lần. Chọn lọc những bài viết và học thêm một vài văn phong phổ biến một cách kiên trì.

7. Hãy thoát khỏi chủ nghĩa cầu toàn

Đừng để việc thiếu kiến thức về nền tảng viết lách cản trở bạn, cứ viết đi. Bạn sẽ học trong quá trình bạn viết, với sự luyện tập thường xuyên và chăm chú. Cùng lúc đó, bạn muốn thực hiện những ý tưởng mới mà mình đang ấp ủ nhưng chính những chuẩn mực lý tưởng lại kìm hãm bạn. Hãy cứ lao vào và làm việc. Đừng quan trọng yếu tố hoàn hảo, xuất bản một hoặc hai bản thảo nháp của bạn. Lỗi câu từ không phải là một vấn đề nghiêm trọng đến vậy.

8. Học cách đánh máy

Tất nhiên, điều này không cần thiết, nhưng biết đánh máy là một kỹ năng tốt cho các nhà văn. Không mất nhiều thời gian để thành thạo – luôn có rất nhiều phần mềm online dạy các bước cơ bản và rèn luyện kỹ năng đó cho bạn và bạn sẽ cải thiện trong vòng một tháng. Sau một năm, bạn sẽ trở thành bậc thầy về kỹ nghệ đánh máy. Điều này giúp bạn chuyển tải ý tưởng trong đầu bạn ra trang giấy nhanh hơn khi bạn đánh máy với một tốc độ ngon lành.

9. Tập viết lách dưới áp lực thời gian

Một trong những kỹ năng đáng giá nhất mà tôi học được khi còn làm nhà báo chính là tập viết dưới áp lực thời gian. Hằng ngày, chúng tôi phải nộp một hoặc nhiều bài viết (con số có thể lên tới năm hoặc sáu) và chúng tôi có một biên tập viên luôn theo dõi sát sao để cô ấy hoàn thành công việc của mình đúng thời hạn. Những áp lực này cho chúng ta một bài học, đó là bạn có thể hoàn thành một bài viết đúng thời gian nếu bạn tập trung. Bạn học cách không lo lắng về sự hoàn hảo, học cách không để nỗi sợ hãi ngáng đường và chỉ để các con chữ tuôn trào. Và làm thế nào để bài của bạn được biên tập một cách nhanh chóng? Nếu bạn không làm việc cho một tờ báo, hãy lập thời hạn cho riêng bạn. Nói với một ai đó, gửi cho họ những bài viết của bạn đúng thời gian nếu không muốn chịu phạt.

10. Đọc thật nhiều

Những nhà văn xuất sắc nhất (xuất sắc hơn rất nhiều so với tôi) thường ngấu nghiến nhiều sách. Hầu như lúc nào tôi cũng đọc sách, tôi thích đọc sách viễn tưởng nhưng tôi cũng đọc dòng sách phi hư cấu và những bài báo dài kì trên mạng. Đọc những tác phẩm hay giúp bạn định hình phong cách viết riêng, truyền cảm hứng và mở rộng khả năng ngôn ngữ. Hãy đọc thật nhiều!

11. “Chôm chỉa” của ai đó

Khi bạn phát hiện ra một nhà văn có một vài tác phẩm hay, hãy mổ xẻ chúng. Cố gắng đưa vào văn phong của bạn, kết hợp với những gì bạn đang có, phối lại với những điều hay ho mà bạn tìm thấy ở các nhà văn khác và tạo thành tác phẩm của riêng mình (học hỏi chứ không đạo văn nha).

12. Giữ những ghi chú cho việc viết lách

Khi bạn tìm được thứ gì đó đáng để chôm chỉa, hãy lưu lại vào máy tính hoặc viết ra một quyển sổ. Khi bạn nhen nhóm ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết, một bài viết trên blog, một nhân vật, một triết lý… lưu chúng vào sổ tay. Hãy làm việc này một cách đều đặn.

13. Tìm những nhà văn cùng chí hướng

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc theo sát lịch trình viết lách, hãy gặp gỡ những tác giả khác cùng thời với bạn thường xuyên, có thể gặp ngoài đời hoặc gặp qua mạng. Chia sẻ những tác phẩm của bạn cho người khác, thảo luận về những vấn đề bạn gặp phải. đọc bài viết thuộc cùng thể loại của các tác giả khác. Một hội viết lách nhỏ là một công cụ tốt để kiểm soát thời gian viết của bạn và giúp bạn nhận ra rằng mình không cô độc.

14. Thấu hiểu người đọc

Một điều quan trọng khác mà tôi học được khi còn làm phóng viên là thấu hiểu cách tư duy của độc giả. Rất nhiều tác giả mới vào nghề chỉ viết những gì có trong đầu họ, nhưng sau đó điều này có thể gây khó hiểu hoặc không tạo hứng thú cho người đọc. Gần đây, tôi nghĩ đến việc người đọc hiểu các bài viết như thế nào, họ cần kiểu viết nào, các câu văn của tôi có rõ nghĩa hay không, hay những kinh nghiệm nào tôi có thể truyền tải cho độc giả.

15. Ai cũng có thể viết và ai cũng nên viết

Bạn không cần phải trở thành một James Joyce để viết. Thậm chí cả khi bạn không bao giờ muốn trở thành một tác giả chuyên nghiệp, hằng ngày, bạn vẫn có thể viết cho một tờ báo, viết lá thư cho người thân yêu (bạn có thể gửi chúng đi hoặc không). Không nổi tiếng cũng không sao. Viết lách là một phương thức rèn luyện tuyệt vời, giúp chúng ta học cách tập trung và vượt qua nỗi sợ hãi, giải quyết sự trì hoãn, và học cách để ngôn từ nói hộ tâm trí.

16. Bắt đầu viết dù bạn ở đâu

Dù bạn đã viết được một vài năm hay bạn mới bắt đầu, dù bạn có năng khiếu ngôn ngữ hay đang tìm cách đánh vật với nó, đó là lúc để bắt đầu. Không quan trọng vị trí của bạn ở đâu, hay trình độ của bạn như thế nào so với người khác – hãy cứ viết, với tất cả những vấn đề bạn đang gặp phải. Bạn sẽ tiến bộ trong suốt khoảng thời gian đó và thoải mái hơn với những gì bạn đang làm.

17. Bạn sẽ làm tốt nếu bạn làm nhiều và làm với tâm huyết

Bạn sẽ không bao giờ trở nên hoàn hảo trong việc viết – có trời mới biết tôi cách xa ngưỡng hoàn mĩ đến mức nào – do đó cách duy nhất để tiến bộ là luyện tập. Và để chăm nom đến những gì bạn đang làm. Hãy làm điều đó mỗi ngày và từng nhược điểm sẽ trở nên tuyệt vời một cách đáng ngạc nhiên.

Minh Anh – Trạm Đọc dịch (Theo Zen Habits)

NGƯỜI VÔ HÌNH

Vào khoảng đầu thập niên 1980, câu chuyện khoa học viễn tưởng “Người Vô Hình” được đăng nhiều kỳ trên báo Thiếu Niên Tiền Phong, tạo một cơn sốt cho nhiều thanh thiếu niên lúc bấy giờ háo hức mong chờ đón đọc.

Nếu tui nhớ không nhầm, bản dịch lúc đó là của ông Nguyễn Hiến Lê và ông Lê Tiến. Bản gốc của nhà văn Anh quốc Herbert George Wells có tựa là The Invisible Man, lần đầu phát hành vào năm 1897. Có lẽ do sự hấp dẫn của nó nên sau này có nhiều người dịch, như Nguyễn Minh, Nghiệp Khánh, Lê Đình Chi…

Griffin là một nhà khoa học. Ông đã cống hiến chính thân thể mình cho một nghiên cứu của ông để biến cơ thể con người trở nên trong suốt, vô hình. Thật không may, trong quá trình thực nghiệm, ông đã đánh mất công thức đưa cơ thể của mình trở về lại trạng thái hữu hình.

Một quá trình sau đó với những tháng ngày dài tự nhốt mình trong căn phòng để nghiên cứu đã biến một nhà khoa học lỗi lạc trở nên trầm cảm và cộc cằn. Nhiều sự việc khó chịu liên tiếp xảy ra với Griffin đã khiến cho ông ngày càng trở nên thô bạo và hung dữ hơn. Cuối cùng ông phải nhận lấy một kết cục bi thảm: Bị dân chúng truy lùng và đánh chết trong một ngày đông lạnh giá, thân thể trần truồng.

Là một câu chuyện khoa học viễn tưởng nhưng HG Wells đã sử dụng thành công lối văn trinh thám cuốn hút, thú vị, làm cho độc giả không tài nào rời sách một khi đã đọc. Tác giả đã kết hợp khéo léo những tình tiết hình sự hấp dẫn với các yếu tố khoa học thuyết phục, làm cho người đọc cứ tưởng mình đang đọc một câu chuyện có thật.

Cảm hứng từ truyện Người Vô Hình, vào năm 2000, đạo diễn Paul Verhoeven đã dựng nên bộ phim Hollow Man, cực kỳ hay và gay cấn. Trong phim, tui rất khoái diễn viên Kevin Bacon, thể hiện vai chính, thật xuất sắc.

Xem Facebook

BA NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI

Trong một đời người, chúng ta may mắn được gặp và học hỏi từ biết bao người thầy. Đó là một phước hạnh lớn. Trong cuốn “Ba Người Thầy Vĩ Đại”, tác giả Robin Sharma dẫn dắt người đọc đến với ba người thầy mà ông đã may mắn gặp được và đã giúp ông thay đổi cuộc sống hoàn toàn, một cách tích cực.

Mặc dù là một diễn giả phương tây nhưng trong cuốn sách này, Robin thể hiện một triết lý sống rất Á đông qua cách viết chứa đầy chất thiền định. Chất thiền của ông là một chất thiền mang hơi thở của cuộc sống đời thường. Chất thiền với trải nghiệm thực tế.

Người thầy thứ nhất dạy cho ông cách quan sát vạn vật với một quan điểm “như là”, không phán xét, không thêm bớt.

Người thầy thứ hai dạy cho ông cách sống với một trái tim tràn đầy yêu thương, khát vọng mãnh liệt và đam mê cháy bỏng.

Người thầy thứ ba dạy cho ông biết quan tâm, chia sẻ và cho đi. Quan tâm đến chính bản thân mình, đến những người xung quanh và đến xã hội.

Cuốn sách là một loạt các bài học để chúng ta tham khảo và thực hành việc cảm nhận bản thân, hiểu bản thân, tìm ra cái tôi trong sâu thẳm con người mình. Qua đó chúng ta có thể hoàn thiện mình, theo một cách tự nhiên vốn có của tiểu vũ trụ.

Cuốn sách được Nguyễn Xuân Hồng dịch từ bản gốc tiếng Anh có tựa là The Saint, The Surfer and The CEO. Sách dịch có đôi chỗ còn khó hiểu và quá sát nghĩa. Hy vọng trong những lần tái bản tới, sách sẽ được kiểm tra và chỉnh sửa tốt hơn.

Để kết thúc bài biết, tôi xin trích lời của nhà văn Richard Carlson, “Nếu giờ bạn đã sẵn sàng để sống cuộc sống tuyệt vời nhất, hãy đọc ngay cuốn sách đặc biệt này.”

Xem Facebook

MỘT NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG

Trong cuốn “Một Người Việt Trầm Lặng”, tác giả Jean-Claude Pomonti tiết lộ cho độc giả thêm nhiều thông tin thú vị về vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Ngoài ra, ông Jean-Claude Pomonti còn dẫn dắt người đọc quay trở lại những năm trước 1975 để đến với một Saigon hoa lệ và bất ổn.

Đọc các sách liên quan đến lịch sử, tui không có thói quen đánh giá đúng – sai. Tui đọc để biết thêm sự thật, biết như đang nhìn dòng người hối hả trên đường phố. Người nhìn cứ nhìn, người đi cứ đi. Khách quan và không phán xét.

Mặc dù là một cuốn sách ghi lại những sự kiện có thực nhưng qua lối văn của một nhà báo, Jean-Claude Pomonti, độc giả cứ tưởng mình đang đọc tin tức nóng hổi và lôi cuốn.

Chỉ với một đoạn ngắn dưới đây, Jean-Claude đã cho độc giả hiểu được cảm xúc của CIA đối với người bạn cũ của mình: “Người Mỹ ngã ngửa! Ngay lập tức, xuất hiện một vài phản xạ tức giận và xấu hổ trong hàng ngũ CIA, trong đó có một số quan chức cấp cao trước đây đã từng hỏi ý kiến nhà báo Phạm Xuân Ẩn trong tạp chí Time rồi mới quyết định chủ trương của họ.

Cũng giống với nhiều người Việt Nam yêu nước trong hơn 2000 năm qua, ông Phạm Xuân Ẩn hiểu rõ Trung Quốc luôn tìm cách can thiệp vào Việt Nam và luôn là mối đe dọa đối với nước ta. Tác giả Jean-Claude cho hay: “Ẩn cho rằng người Trung Quốc lúc đó không muốn Việt Nam giành thắng lợi quân sự năm 1975. Họ muốn người Mỹ giữ lại ảnh hưởng ở miền Nam của Việt Nam…

Kết thúc câu chuyện, tác giả Jean-Claude Pomonti đã viết một câu khiến cho nhiều độc giả, trong đó có tui, cảm thấy tò mò, muốn tìm hiểu thêm: “Mong cuối đời, người ta trả lại cho ông những gì còn nợ ông.

Người ta còn nợ ông điều gì? Có lẽ, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời trong cuốn “Điệp Viên Hoàn Hảo”.

Xem Facebook

THÍCH ĐỌC

Sách là kho tàng tri thức vô giá và vô tận của nhân loại. Muốn làm giàu kiến thức của mình, bạn phải đọc nhiều sách. Ngoài ra không có cách nào khác (hoặc là tui chưa biết cách nào khác, kekeke).

Muốn đọc được sách, trước hết bạn phải “thích đọc” sách. Nếu bạn không thích hoặc chưa thích đọc sách thì bạn không thể cầm cuốn sách lên đọc được. Nó chỉ gây cho bạn cơn buồn ngủ không cưỡng lại nổi hoặc cảm giác ngán ngẩm mà thôi.

Làm thế nào để bạn trở nên thích đọc sách, hay chí ít cũng muốn cầm lấy cuốn sách để đọc vài trang? Có hàng trăm cách. Cách đơn giản nhất theo kinh nghiệm của bản thân tui là bạn hãy tìm đọc các cuốn sách kinh điển, các cuốn sách hay, sách hấp dẫn, sách thuộc vào sở thích của bạn.

Khi bạn đọc được nhiều sách hay hợp goût, bạn sẽ tạo cho mình được thói quen đọc sách trong trạng thái thích thú. Dần dần, bạn sẽ thích đọc qua các thể loại sách khác. Ngày qua ngày, số lượng sách trong đầu bạn sẽ tăng lên và đến một ngày nào đó, nếu không đọc được cuốn sách nào, bạn sẽ cảm thấy trống vắng vô cùng.

Sách thì có nhiều vô hạn nhưng thời gian của chúng ta thì có hạn. Vì vậy, bạn cần phải đọc có chọn lọc và quan trọng nhất là bạn cần “đọc nhanh – hiểu sâu – nhớ lâu”.

Trong bài tới, tui sẽ chia sẻ với các bạn về phương pháp đọc sách này.

Chúc các bạn một buổi tối vui vẻ!

P/S: Như mọi khi, trên đây là suy nghĩ cá nhân của tui và là góc nhìn từ dưới giếng nhìn lên. Ngoài kia bao la, có vô lượng góc nhìn phong phú, mong các bạn chia sẻ. Trân trọng cảm ơn!

Xem Facebook

ĐỌC VIẾT

Khi bạn đã yêu thích đọc sách rồi thì bạn sẽ nghĩ đến việc làm sao nhanh chóng nhét được càng nhiều chữ vào đầu càng tốt.

Có nhiều cách lắm. Có nhiều sách dạy các phương pháp đọc sách. Kinh nghiệm và khả năng riêng của tui thì thích hợp với phương pháp của ông Atsushi Innami.

Phương pháp này khá đơn giản, học nhanh và mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có ích cho những bạn thích đọc nhiều sách. Còn những bạn cả tháng mới đọc xong một cuốn thì… chắc chắn bạn không cần phương pháp nào cả.

Đọc sách cũng giống như ăn uống và ngủ nghỉ. Nếu bạn thực hiện vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày và lặp đi lặp lại thì não của bạn sẽ tiếp nhận tốt hơn.

Đọc sách cũng giống như đi ngắm cảnh. Bạn không cần phải ngắm tất cả mọi thứ mà chỉ ngắm những địa điểm bạn thích. Đoạn sách nào bạn thích, hãy ghi vào cuốn sổ, giống như cảnh đẹp nào bạn thích thì bạn đưa máy ảnh lên chụp để lưu lại.

Ghi lại những đoạn bạn thích sẽ giúp bạn nhớ những đoạn đó lâu hơn. Những đoạn này là những mắt xích nối các trang sách lại với nhau.

Sau khi hoàn thành một cuốn sách, bạn hãy đọc lại những ghi chép của bạn và một lần nữa, hãy chọn ra một đoạn ưng ý nhứt trong đó để ghi nhớ.

Nói ngắn gọn là vậy. Nếu bạn muốn thực hành phương pháp này chi tiết hơn và rõ ràng hơn, bạn có thể tìm mua cuốn “Đọc Nhanh, Hiểu Sâu, Nhớ Lâu Trọn Đời” của tác giả Atsushi Innami.

Chúc các bạn thành công!

Xem Facebook

TRÀ HOA NỮ

“Đều đặn mỗi tháng hai mươi lăm ngày hoa trà trắng và năm ngày hoa trà đỏ. Người ta không biết lý do của sự đổi thay màu sắc ấy. Tôi nhận thấy điều đó, nhưng cũng không giải thích được. Những người thường đi xem ở các rạp nàng thường đến và các bạn của nàng cũng nhận thấy điều đó như tôi.”

Sắc đẹp và sự tinh tế của nàng đã khiến cho Armand ngày càng chìm sâu vào một mối tình say đắm, nhục cảm, một mối tình sớm kết thúc trong đau khổ.

Tui còn nhớ những chi tiết và cảm nhận về tác phẩm khi đọc Trà Hoa Nữ lúc còn là thanh niên. Đó là một tình yêu lãng mạn, là cháy bỏng của hai cơ thể, là điên cuồng và tinh khiết.

Bước vào tuổi trung niên, cảm nhận khi tui đọc lại Trà Hoa Nữ không giống như hồi đó. Giờ đây, tui thấy trong Trà Hoa Nữ là sự hy sinh, là sự bao dung, là vị tha, là sự chịu đựng đớn đau, là sự thông cảm, là ân tình người ta dành cho nhau trong cuộc sống…

Cảm nhận khi đọc sách có vẻ như phụ thuộc nhiều vào tuổi tác?

Xem Facebook

BẢO ĐẠI

Cuốn “Bảo Đại – Hoàng Đế Cuối Cùng” vén nhiều bức màn xung quanh vị vua cuối cùng của nước Việt. Sách mang đến cho chúng ta thêm một góc nhìn thú vị trước nhiều giai thoại hư thực về người đứng đầu nền quân chủ lập hiến cuối cùng ở Việt Nam.

Ông là vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam và cũng là vị vua bị chỉ trích nhiều bởi các nhà sử học. Các chính thể VNCH, VNDCCH và CHXHCNVN cũng tỏ ra khá lạnh nhạt với ông và triều đại của ông.

Xuất thân của ông cho đến bây giờ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà sử học cho rằng vua Bảo Đại không có máu mủ với thân phụ của ông, vua Khải Định. Người ta cho rằng vua Khải Định tuy có nhiều vợ nhưng lại không có con vì ông ăn chơi quá nên bị tuyệt tự.

Từ nhỏ, ông Bảo Đại đã được nuôi và dạy bởi người Pháp ở Paris trong một thời gian hơn mười năm. Do đó, ông rất thân với người Pháp. Khi về nước làm vua, ông mang một số tư tưởng tiến bộ của phương tây áp dụng vào cải cách triều đình nhà Nguyễn.

Sau khi bị ông Ngô Đình Diệm lật đổ, vua Bảo Đại qua Pháp sống. Những năm cuối đời ở Pháp, ông và vợ, bà Monique Baudot, sống yên bình và thanh đạm như những công dân Pháp bình thường. Ông vẫn giữ tên là Vĩnh Thụy.

Cuối đời, ông Vĩnh Thụy có viết cuốn hồi ký: Le Dragon d’Annam. Đây cũng là cuốn sách gây nhiều tranh cãi gay gắt trái ngược nhau, như xuất thân đầy bí ẩn của chính tác giả.

Tại sao năm 1945 ông thoái vị rồi sau đó trở lại làm vua lần nữa? Ông bị ông Ngô Đình Diệm, người trước đây từng là một quan thần của vua trong triều, lật đổ khỏi ngai vàng như thế nào? Cuốn sách của ông Lý Nhân Phan Thứ Lang sẽ cho chúng ta nhiều câu trả lời.

Thiển nghĩ, Hoàng tộc nhà Nguyễn nên được giữ lại như là một biểu tượng mang tính hình thức để lịch sử phong kiến được xuyên suốt. Điều này cũng sẽ góp phần nào đó giúp cho ngành du lịch nước nhà có thêm một chủ đề thú vị để thu hút du khách quốc tế.

Trên đây là quan điểm cá nhân và là góc nhìn hạn hẹp riêng của tui. Tức là góc nhìn từ dưới giếng tui nhìn lên.

Để có những góc nhìn bao quát, khách quan, khoa học và logic, chúng ta cần phải đọc từ nhiều nguồn uy tín, với tinh thần tỉnh táo, không thiên vị.

Xem Facebook

ĐỌC SÁCH

Để lưu giữ và truyền bá kiến thức, nhân loại phát minh ra sách. Sách là kho tàng tri thức quan trọng, lâu đời và đồ sộ.

Từ nhỏ, chúng ta đã quen với việc đọc sách. Có người đọc ít, có người đọc nhiều. Có người lúc nào cũng đọc, họ nghiện. Xưa nay, chúng ta đã quen với hình ảnh người cầm cuốn sách đọc. Nó in sâu vào quan điểm của chúng ta rằng, đọc sách là tốt.

Với sự ra đời của điện thoại thông minh, người ta dần dần đánh mất thói quen cầm cuốn sách để đọc. Thay vào đó, chúng ta chỉ dúi mũi vào chiếc điện thoại, bất kể thời gian và không gian.

Hình ảnh người ta chăm chú vào điện thoại lúc đang ngồi ở các tiệm cà phê khiến cho người ngoài nhìn vào cảm thấy có một khoảng cách gì đó thật xa, xa lắm. Họ cho rằng những hình ảnh như vậy là vô cảm. Họ thắc mắc rằng tại sao hẹn nhau ra cà phê là để hàn huyên mà rồi mỗi người lại tự tạo cho mình một không gian riêng ở chốn công cộng?! Không ai nói với ai điều gì.

Hãy tưởng tượng nếu một nhóm bạn cũng đang ngồi cà phê và ai cũng cầm một cuốn sách cắm cúi hý húi đọc thì… có phản cảm không? Hay là chỉ cầm điện thoại mới phản cảm?

Với tui, việc một nhóm bạn ai cũng cặm cụi vào sách hay điện thoại ở chốn chung như tiệm cà phê là không nên. Nên dành thời gian đó để nói chuyện với nhau thì hay hơn. Nếu muốn chăm chú vào màn hình hay sách, hãy tìm cho mình một không gian riêng.

Còn các anh chị thì nghĩ sao?

Xem Facebook